Để bắt đầu xây dựng một thương hiệu tốt, tất cả đều bắt đầu từ những điều cơ bản. Nếu các bạn đã từng học về marketing, hoặc bạn biết về marketing cơ bản, thì tới giờ đây mọi thứ vẫn thế, chúng ta vẫn bắt đầu từ những thứ cơ bản nhất:
“Một thương hiệu tốt xuất phát từ định vị (positioning)”
1/ Target Segment (Phân khúc mục tiêu)
Đầu tiên, doanh nghiệp phải xác định được target segment đang muốn hướng đến, ai sẽ là khách hàng mục tiêu của bạn? Tôi thường được nghe những anh chị chủ doanh nghiệp SMEs nói rằng, sản phẩm của họ phù hợp cho mọi lứa tuổi. Và đây là một sai lầm khá phổ biến. Chúng ta không nên trở thành một thương hiệu dành cho tất cả mọi người. Về bản chất, ngay cả những sản phẩm “quốc dân” như sữa Ông Thọ, xà bông Omo cũng có phân khúc mục tiêu riêng của họ. Doanh nghiệp nên hướng đến một phân khúc cực kì cụ thể và luôn biết rõ ràng khách hàng mục tiêu là ai?
2/ Point of difference – Frame of reference (Điểm khác biệt và khung tham chiếu) :
Thứ hai, bạn cần suy nghĩ về điểm khác biệt mà sản phẩm của bạn mang lại, điều gì làm cho sản phẩm của bạn trở nên đặc biệt? Nó là tính năng, quy trình, dịch vụ khách hàng, địa điểm kinh doanh,…?
Sau đó, hãy xác định khung tham chiếu của bạn, hiểu đơn giản là bạn so sánh sản phẩm của bạn khác biệt hơn so với ai, so với sản phẩm nào đang có sẵn?
Ví dụ, sản phẩm của tôi tốt hơn những sản phẩm khác trên một số khía cạnh cụ thể. Áo thun của tôi có nhiều hình in ấn đẹp mắt và phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ tuổi hơn áo thun của brand B.
Điểm khác biệt và khung tham chiếu hoạt động cùng nhau, vì khi bạn thay đổi khung tham chiếu, bạn có thể thay đổi điểm khác biệt của mình.
Bây giờ, hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về ba yếu tố kể trên: Khách hàng mục tiêu của bạn là ai, sản phẩm của bạn nổi bật như thế nào so với các sản phẩm khác, và bạn đang so sánh sản phẩm của mình với những sản phẩm nào. Mọi suy nghĩ này phải dựa trên một chiến lược cụ thể.
Quan trọng hơn, bạn phải xác định rất rõ, Định vị thương hiệu của bạn là gì? Và đâu là những điểm KHÔNG nằm trong định vị thương hiệu của bạn? Luôn luôn phải biết Do – Don’t!
Những điểm trên là cốt lõi của một thương hiệu tốt, bạn mang lại một giá trị cực kỳ cụ thể cho một nhóm khách hàng cụ thể. Cách bạn đem lại sự khác biệt so với đối thủ cũng chính là cách bạn định vị thương hiệu của mình.
Dừng lại một chút, tôi có một câu hỏi nhỏ, tại sao người dùng lại phải tin vào thương hiệu của bạn?
Hãy cho người dùng thêm lý do để tin tưởng (reason to believe), để chứng minh cho khách hàng biết những điều bạn nói về thương hiệu của bạn là sự thật. Hãy luôn là chính mình! Luôn thành thật, với những thông điệp bạn truyền tải, chúng ta không sinh ra để trở thành diễn viên, mà có là diễn viên thì vẫn có những góc khuất sau cánh gà.
Đừng cố gắng đánh lừa khách hàng, thực ra khách hàng yêu sự chân thật nhiều hơn.